VIỆN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN ĐẠI HỌC NHA TRANG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ĐỂ PHÁT TRIỂN NUÔI BIỂN
Ngày đăng: 07/12/2020
(VSA) Để phát huy các tiềm năng của biển trong thế kỷ XXI, Hội nghị Lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh.ĐẶT VẤN ĐỀ
Sau khi tổng kết việc thực hiện Nghị quyết nói trên trong hơn 10 năm, Hội nghị Lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết 36/ NQ-TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, hình thành văn hoá sinh thái biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Ngành thủy sản có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Phát triển thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo, và giải quyết việc làm cho khoảng trên 4 triệu lao động thủy sản, góp phần nâng cao đời sống cho cộng đồng cư dân vùng nông thôn ven biển. Trong những năm qua sản xuất thủy sản đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt ở trên 164 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, việc phát triển nuôi biển đã góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Đã có nhiều nghiên cứu thành công về sản xuất con giống, thức ăn và công nghệ nuôi các đối tượng hải sản như cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển,… góp phần phát triển rộng rãi nuôi biển trên nhiều vùng của đất nước. Tuy nhiên, đa số các mô hình còn thiếu tính đồng bộ và gắn kết nên nuôi biển Việt Nam mới chỉ phát triển ở đới ven bờ, quy mô nhỏ, chủ yếu là do các hộ gia đình tự làm, sản xuất manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, không bền vững, gây ô nhiễm môi trường và thường xuyên phát sinh các dịch bệnh nghiêm trọng.
Trên cơ sở kế thừa những thành tựu nghiên cứu đã đạt, phải xây dựng các mô hình nuôi biển quy mô lớn, công nghệ hiện đại, chú trọng đến bảo vệ môi trường với sự tham gia đông đảo của đội ngũ các nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp để có thể phát triển bền vững, đưa nuôi biển trở thành ngành kinh tế chủ lực tạo sản phẩm hàng hóa lớn, mang tính đột phá, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vừa góp phần vào bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
HIỆN TRẠNG NUÔI BIỂN
Cá biển
Tình hình nuôi
Các đối tượng các biển được nuôi chủ hiện nay bao gồm ca chẽm, cá song (cá mú), cá giò (cá bớp), cá cam, Hồng Mỹ, đối mục, cá dìa, cá chim vây vàng…..Trong đó đối tượng chẽm, cá chim vây vàng, cá song, cá giò được xem là một trong những đối tượng được nuôi phố biến nhất. Trong giai đoạn năm 2005-2010, số lượng lồng, bè nuôi cá lồng liên tục tăng. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi ao, lồng quy mô nhỏ và một số doanh nghiệp nuôi bằng kiểu lồng Nauy trong các eo vịnh kín gió.
Năm 2005 tổng số ô lồng là 13.172, đến năm 2010 đạt 30.031; tăng bình quân 17,92%/năm trong giai đoạn 2005-2010. Số bè nuôi năm 2005 là 1.461 bè, năm 2010 2.142 bè, tăng bình quân là 7,96%/năm. Các vùng nuôi chính ở khu vực phía Bắc chủ yếu ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An; vùng biển miền Trung chủ yếu Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và một ít ở Ninh Thuận; vùng biển Đông Nam Bộ chủ yếu ở Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu và ở Tây Nam Bộ chủ yếu ở Kiên Giang.
Năm 2005 sản lượng nuôi cá biển nuôi đạt 3.141 tấn, năm 2010 đạt 15.751 tấn, tăng bình quân 38,1%/ năm. Năm 2010 sản lượng cá song 7.786 tấn (chiếm 49%), cá giò 4.734 tấn (chiếm 30%), cá chẽm 1.096 tấn (chiếm 7%), cá biển khác 2.135 tấn (chiếm 14%). Riêng Công ty Australis nuôi ở vịnh Vân Phong đã đạt gần 3.000 tấn cá chẽm.
Cá chim vây dài
Tình hình sản xuất và cung ứng giống cá biển
Sản xuất giống cá biển đòi hỏi hệ thống hạ tầng rộng lớn, quy trình kỹ thuật sản xuất đòi hỏi nghiêm ngặt, mức đầu tư cao, nên số lượng cơ sở sản xuất giống cá biển còn rất hạn chế. Đến năm 2010 có khoảng 30 cơ sở tham gia sản xuất cá biển, với sản lượng giống hàng năm sản xuất được đạt 30 triệu con. Các vùng sản xuất giống cá biển chủ yếu là ven biển vịnh Bắc bộ (Quảng Ninh, Hải Phòng) và vùng ven biển miền Trung (Khánh Hòa, Ninh Thuận). Đối tượng sản xuất chủ yếu là: cá giò, cá song, cá vược (chẽm), cá hồng Mỹ, cá chim vây vàng, cá bè,...
Viện Nuôi trồng Thủy sản Trường Đại học Nha Trang, Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung mỗi năm sản xuất được 4-5 triệu giống cá chẽm, 3 – 4 triệu giống cá chim vây vàng, hơn 1 triệu giống cá hồng Mỹ và hàng trăm ngàn giống các loài cá khác (cá mú, cá bè, cá bớp) cung cấp cho các tỉnh miền trung và miền Nam. Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I sản xuất và cung cấp cho người nuôi các tỉnh ven biển miền Bắc mỗi năm vài triệu con giống cá song, cá Hồng Mỹ, cá chẽm và cá giò. Nhiều đối tượng đang phát triển nuôi nhưng chưa sản xuất được giống mà phải sử dụng giống tự nhiên.
Tồn tại:
Tuy đã có công nghệ sản xuất giống của 6 loài nhưng thực sự mới đưa vào sản xuất được 5 loài. Trừ đối tượng cá vược đã được nhiều trại sản xuất, 4 loài còn lại cũng chỉ mới được sản xuất trong cơ sở của các Viện nghiên cứu, trường Đại học và một số ít các doanh nghiệp vì công nghệ phức tạp, đầu tư tốn kém nhưng lợi nhuận thấp, rủi ro lớn nên chưa thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp hay ngư dân.
Nhà nước tuy đã có những chủ trương chính sách khuyến khích phát triển nuôi biển nhưng chưa đầu tư cho nhiều đề tài nghiên cứu để giải quyết dứt điểm trong một thời gian ngắn làm chủ công nghệ sản xuất giống một số loài có giá trị kinh tế cao. Chưa có đàn cá bố mẹ để sản xuất ra một lượng lớn cá giống chất lượng tốt giá thành hạ. Thời gian thực hiện các đề tài nghiên cứu ngắn trong 3-4 năm khó làm chủ công nghệ sản xuất giống một số đối tượng. Công nghệ sản xuất giống một số loài đã chủ động được thì chưa được phổ biến rộng rãi, chưa được xã hội hóa để khích lệ mọi người sản xuất.
Một số loài được đầu tư nhập công nghệ nhưng sau đó không có sự tiếp nối để duy trì, tuyển chọn bổ sung và quản lý chất lượng đàn bố mẹ dễ dẫn đến công nghệ nhập xong là kết thúc. Muốn phổ biến, chuyển giao công nghệ thì không có cá bố mẹ. Một số đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất giống trong nước thành công nhưng không được tiếp tục nghiên cứu chất lượng di truyền (cá giò) dễ dẫn đến thoái hóa.
Nhuyễn thể
Tình hình nuôi
Các đối tượng nhuyễn thể biển được nuôi chủ yếu là: nghêu bến tre, ngao dầu, ngao vân, vẹm xanh, ốc hương, sò huyết, sò lông, tu hài, hàu cửa sông, hầu Thái Bình Dương, điệp,.....
Ngao (hay nghêu) chủ yếu nuôi khu vực phía bắc và bắc trung bộ, tập trung nhiều ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và ở vùng biển Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh. Sò Lông, sò huyết được nuôi hàu hết các tỉnh ven biển nước ta, nhưng tập trung nhiều ở vịnh Kiên Giang và vịnh Bắc Bộ (khu vực Quảng Ninh). Hàu được nuôi nhiều ở khu vực cửa sông Chanh (Yên Hưng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng); Quỳnh Lưu (Nghệ An), Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Đầm Nha Phu (Khánh Hòa), Bán đảo Long Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu), huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh). Bào ngư, tu hài được nuôi nhiều ở khu vực Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Kiên Giang.
Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân năm về số lượng bè nuôi nhuyễn thể tăng 35,33%/năm, trong đó năm 2005 chỉ có 130 bè, nhưng đến năm 2010 đã lên đến 590 bè. Nuôi nhuyễn thể chủ yếu ở các mô hình nuôi bãi, năm 2005 toàn quốc đưa vào khai thác vùng bãi triều để nuôi nhuyễn thể khoảng 17.583 ha (chủ yếu để nuôi ngao), đến năm 2010 đã lên đến 22.942 ha, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân năm 3,11%/ năm. Diện tích nuôi nhuyễn thể năm 2010, ở khu vực ven biển Bắc Bộ là 7.420 ha, Bắc Trung Bộ là 1.040 ha, Nam Trung Bộ là 461 ha, Đông Nam Bộ là 1.251 ha và ở Tây Nam Bộ là 15.003 ha.
Kiểm tra trứng cá
Tình hình sản xuất và cung ứng giống nhuyễn thể
Các đối tượng nhuyễn thể hiện nay đang được nuôi chủ yếu là ngao, nghêu Bến Tre, hàu Thái Bình Dương, tu hài, ốc hương. Đây là những đối tượng đã có công nghệ sản xuất giống. Số trại sản xuất giống tăng từ 136 trại năm 2006 lên 180 trại năm 2010. Sản lượng giống nhuyễn thể cũng tăng từ 2.046 triệu con năm 2006 lên 3.788 triệu con năm 2010.
Số trại giống và sản lượng giống nhuyễn thể ở vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung luôn cao nhất, nhưng có một lượng giống nhuyễn thể không rõ xuất xứ được nhập từ Trung Quốc đưa vào nuôi ở các tỉnh phiá Bắc. Giống hàu Thái Bình Dương và tu hài cung cấp cho người nuôi đều từ sinh sản nhân tạo. Vùng nuôi chính tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng, nhưng các trại giống ở vùng này không cung cấp đủ nên hiện nay giống được sản xuất rất nhiều ở Khánh Hòa, Phú Yên đưa ra.
Giống nghêu, ngao: Nghêu đã được đưa vào nuôi rất mạnh ở các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang và một số tỉnh ven biển phía Bắc như Thái Bình, Nam Định. Nguồn con giống cung cấp chủ yếu từ khai thác tự nhiên. Hiện nay một số địa phương đã nhập công nghệ sản xuất giống nghêu nhân tạo bước đầu thành công như Tiền Giang, Bến Tre, Thái Bình, Nam Định. Nhiều địa phương cũng đã xây dựng được chiến lược bảo vệ bãi nghêu giống cho địa phương mình như ở Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Trà Vinh. Lượng ngao, nghêu giống tự nhiên của Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau cung cấp cho nhu cầu nuôi ở các địa phương phía Bắc. Một số vùng ở Nam Định, Thái Bình đang hình thành nghề ương giống ngao trong ao từ ngao cám vớt tự nhiên rất hiệu quả.
Giống ốc hương: được sản xuất chủ yếu ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Khánh Hoà và Ninh Thuận. Nhu cầu giống cũng khá lớn vì phần lớn diện tích ao nuôi tôm không hiệu quả ở vùng ven biển đã chuyển sang nuôi ốc hương. tuy nhiên, chất lượng giống ốc hương đều chưa được kiểm soát.
Giống sò huyết: nuôi sò huyết khá mạnh ở vùng biển Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, tuy vậy con giống vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác từ tự nhiên, chưa sản xuất giống nhân tạo. Một số tỉnh cũng bắt đầu khoanh vùng bảo vệ các bãi sò huyết phân bố tự nhiên, cấm khai thác trong mùa sinh sản như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Yên, Bình Định. Giống trai ngọc: cũng được nuôi khá phổ biến ở vùng biển vịnh Bắc Bộ (Quảng Ninh, Hải Phòng) và đang được phát triển nuôi ở Kiên Giang, nhưng mức độ nuôi còn rất hạn chế, do chưa chủ động được con giống.
Giống tu hài: nuôi tu hài phát triển mạnh ở vùng vịnh Vân Đồn - Quảng Ninh và đang nuôi ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Hiện nay sản xuất giống đã hoàn thiện công nghệ và chủ động cung cấp đủ giống cho nhu cầu phát triển nuôi thương phẩm.
Giống hàu Thái Bình Dương: nuôi hàu đang được phát triển ở nhiều địa phương ven biển, nhưng tập trung nhất ở Quảng Ninh. Hiện nay đã sản xuất được giống bằng sinh sản nhân tạo nhưng số lượng chưa nhiều. Công nghệ sản xuất giống hàu tam bội đã được Viện Nghiên cứu NTTS III nhập và đang triển khai ứng dụng sẽ góp phần tạo được giống có chất lượng và chủ động sản xuất giống cho nhu cầu nuôi.
Giáp xác
Nuôi tôm hùm
Nghề nuôi tôm hùm hiện nay phát triển mạnh ở 5 tỉnh bao gồm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Trong đó, Khánh Hòa là tỉnh có nghề nuôi tôm hùm phát triển sớm nhất, tiếp theo là tỉnh Phú Yên và sau đó phát triển ra các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận. Bên cạnh mặt tích cực, nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển nhanh chóng trong khi quy hoạch vùng nuôi chưa theo kịp đã dẫn đến hiện tượng ô nhiễm môi trường khu vực nuôi và dịch bệnh trên tôm hùm xuất hiện tại các tỉnh miền Trung năm 2007 và làm cho nghề nuôi tôm hùm hiện nay bị suy giảm.
Các loài tôm hùm được nuôi phổ biến tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuân là tôm hùm bông, tôm hùm xanh, tôm hùm đỏ và tôm hùm tre. Theo số liệu thống kê tổng hợp 5 tỉnh, tôm hùm bông là loài chủ yếu (chiếm 74,2%), tiếp theo là tôm hùm xanh (22,7%), còn lại tôm hùm tre và tôm hùm đỏ nuôi không đáng kể (tương ứng 1,9% và 1,2%).
Lồng nổi được sử dụng phổ biến nhất là lồng có kích cỡ 4 x 4 x (5-6)m. Lồng chìm có kích cỡ dao động trong khoảng (3,5-5,0) x (3,5-5,0) x (1,5-6,0) m, được sử dụng nhiều nhất 4 x 4x 4m. Lồng găm có kích thước dao động dao động từ (3,5- 4,1) x (3,5-4,2) x (1,6- 4,8) m, phổ biến nhất là 4 x 4 x 4m. Lồng ương tôm giống kích thước (3- 4) x (3-4) x (4-5)m.
Mật độ ương nuôi tôm giống: Lồng chìm, có mật độ chênh lệch lớn: Mật độ ương lớn nhất (44 con/ m2), nhỏ nhất (17 con/m2). Lồng nổi: Mật độ ương cao nhất (31 con/m2), mật độ ương thấp nhất (25 con/m2). Khi tôm lớn hơn thực hiện san sang lồng khác để giảm mật độ.
Mật độ nuôi thương phẩm: Lồng nổi mật độ nuôi lớn nhất (10 con/ m2), nhỏ nhất (4 con/m2). Lồng chìm: mật độ nuôi cao nhất (7 con/m2), mật độ nuôi thấp nhất (5 con/m2). Lồng găm: mật nuôi cao nhất (6 con/m2) nuôi thấp nhất (4 con/m2). Năng suất đạt trung bình 60 kg/lồng. Tôm hùm hiện nay được nuôi trong các lồng, cho ăn bằng thức ăn tươi sống dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường và con giống thả nuôi thương phẩm còn lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.
Thăm trứng cá hồng mỹ bố mẹ
Nuôi cua, ghẹ
Hiện nay cua, ghẹ được nuôi nuôi ghép với các đối tượng khác trên lồng bè. Những năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng, nên cùng với nghề khai thác ghẹ tự nhiên, nghề nuôi ghẹ đã phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước, tuy nhiên nguồn con giống chủ yếu vẫn còn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên.
Nguồn cua giống trước kia phục vụ cho nuôi thương phẩm chủ yếu là thu gom từ tự nhiên nên diện tích nuôi cua thương phẩm còn nhỏ lẻ và bị hạn chế. Từ năm 1998, Trung Tâm Nghiên cứu Thủy sản III (nay là Viện Nghiên cứu thủy sản III) đã thực hiện đề tài Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống cua xanh (Scylla serrata), ghẹ xanh (Portunus pelagicus) đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo cơ sở để mở rộng nghề nuôi cua, ghẹ ở Việt Nam. Từ năm 2002 trở lại đây, nhờ tiến bộ khoa học trong việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo cua, ghẹ đã chuyển giao tại nhiều địa phương nên đã góp phần vào việc phát triển nuôi cua, ghẹ thương phẩm hiên nay. Hình thức nuôi cua, ghẹ trong lồng trên biển hiên nay còn hạn chế.
Rong biển
Đối tượng trồng rong biển ở nước ta chủ yếu là rong sụn và tập trung ở khu vực biển Nam Trung Bộ. Tổng diện tích trồng năm 2005 đạt 1.030 ha, nhưng sau đó giảm dần theo năm và xuống còn 230 ha năm 2010, đưa tốc độ tăng trưởng bình quân năm về diện tích trồng giảm 25,91%/năm. Nguyên nhân chủ yếu do việc trồng rong sụn không có thị trường đầu ra ổn định, thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt vào mùa sương mù, sương muối ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và tốc độ tăng trưởng của rong biển.
Tình hình sản xuất, cung ứng thức ăn
Thức ăn cho nuôi trồng thủy sản được cung cấp bởi 2 nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập ngoại. Các loại thức ăn phục vụ nuôi cá biển phần lớn được nhập khẩu, chủ yếu dùng cho các mục đích thử nghiệm. Thức ăn tự chế từ tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp, các loài cá tạp được sử dụng khá phổ biến trong nuôi trồng hải sản, đặc biệt nuôi cá biển và nuôi tôm hùm.
Hiện nay cả nước có khoảng 110 nhà máy sản xuất thức ăn. Tuy nhiên, các nhà máy này phần lớn quy mô nhỏ nên cung cấp chưa đủ cho nhu cầu nuôi thương phẩm. Cá tạp vẫn là nguồn thức ăn chủ yếu cho nuôi hải sản trên biển và hải đảo ở nước ta. Nhu cầu thức ăn cho hoạt động nuôi hải sản ở nước ta có xu hướng tăng theo sản lượng nuôi, trong giai đoạn năm 2005-2010 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân về nhu cầu thức ăn cho nuôi hải sản toàn quốc là 16,7%/năm.
Số lượng công ty sản xuất thức ăn có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng đáng kể trong vòng 5 năm qua, trong đó có một số tập đoàn lớn CP Group (Thái Lan), Uni-President của Đài Loan, Proconco, Cargill, Cataco and Tomboy của Pháp. Tuy nhiên, khối lượng thức ăn thủy sản phải nhập khẩu hàng năm rất lớn: 140.000-150.000 tấn thức ăn từ Thái Lan, Hông Kông và Đài Loan.
Tuy nhiên, việc sản xuất và cung cấp thức ăn cho nghề nuôi cá biển vẫn là một khâu còn yếu trong phát triển nuôi trồng hải sản ở nước ta. Phần lớn lượng thức ăn công nghiệp cho nuôi thủy sản do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc nhập ngoại. Chưa kiểm soát được giá thành, chất lượng, nguồn gốc của thức ăn cũng như khả năng và các phương thức cung cấp, đây là một trong những yếu tố tác động đến phát triển bền vững của nuôi hải sản trên biển và hải đảo hiện nay, dẫn đến nghệ nuôi trồng hải sản chậm phát triển, đặc biệt là nghệ nuôi cá biển chưa phát triển được.
Tình hình sản xuất, sử dụng thuốc thú y thủy sản
Thuốc và hóa chất sử dụng trong nuôi hải sản có thể chia làm 3 nhóm: nhóm cải tạo môi trường, nhóm phòng bệnh (gồm cả việc kích thích tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng) và nhóm trị bệnh động vật thủy sản. Hiện nay việc sản xuất các loại thuốc, hóa chất cho nuôi hải sản nhìn chung chưa phát triển. Chúng ta chủ yếu mới sản xuất các loại thuốc hóa chất đơn giản, một số loại kháng sinh, men vi sinh...tuy nhiên chất lượng thấp nên không được người dân nuôi hải sản ưa chuộng. Hầu hết các loại thuốc hóa chất sử dụng trong nuôi hải sản là nhập khẩu và lưu thông vào Việt Nam qua hệ thống các đại lý kinh doanh, nhà phân phối độc quyền.
Do chủng loại thuốc rất đa dạng, các kênh phân phối cũng đa dạng và phức tạp nên công tác quản lý chất lượng thuốc hóa chất trong nuôi hải sản gặp rất nhiều khó khăn.
Việc sử dụng các loại thuốc, hoá chất này cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Người dân sử dụng thuốc, hoá chất chủ yếu dựa vào các hướng dẫn của nhân viên của các cơ sở kinh doanh. Chất lượng dịch vụ của các cơ sở này nhìn chung rất tốt, hệ thống họat động khá năng động để đáp ứng nhu cầu của người nuôi hải sản. Người mua được nhân viên kinh doanh/tiếp thị giới thiệu về cách sử dụng, nhiều trường hợp được hướng dẫn cụ thể, có nhãn mác giới thiệu về thành phần v.v.. tuy nhiên hầu hết người dân đều cho rằng họ gặp khó khăn về cách sử dụng các loại thuốc này, thời gian và liều lượng bao nhiều cho từng loại bệnh...
Nhìn chung, hệ thống kinh doanh thuốc hóa chất họat động khá năng động và hiệu quả. Do hầu hết các loại thuốc hóa chất phục vụ nuôi hải sản này phải nhập có chất lượng tương đối bảo đảm, số lượng đa dạng, hệ thống phân phối rộng khắp nên bước đầu đã kích thích sản xuất, tạo điều kiện dễ dàng cho người dân trong việc tiếp cận KHCN và nâng cao hiệu quả sản xuất hải sản.
![]() |
![]() |
![]() |
Những khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nuôi biển hiện nay còn nhiều tồn tại và hạn chế như:
- Nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến sản xuất kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường và phát triển thiếu bền vững.
- Về sản xuất con giống: Con giống là khâu cần thiết và quan trọng đầu tiên trong phát triển nuôi biển. Trong khí đó khoa học, công nghệ trong sản xuất giống các đối tượng hải sản nước ta còn hạn chế; giống sản xuất ra hiên nay mới dừng ở quy mô nhỏ; công nghệ sản xuất hiện nay ta chưa chủ động được, con giống sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm.
- Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt: Vùng biển nước ta hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng bão gió, áp thấp nhiệt đới với tần suất cao; vùng biển phía Bắc chịu tác động của mùa đông lạnh kéo dài, nên đã gây bất lợi cho việc phát triển nuôi hải sản trên vùng biển và hải đảo Việt
- Việc phát triển nuôi hải sản trên biển và hải đảo cần công nghệ lồng nuôi có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của thời tiến và cần vốn đầu tư lớn; thời gian nuôi dài, nhưng rủi ro trong sản xuất lại cao nên các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực hải sản trên biển còn hạn chế vì vậy đã ảnh hưởng đến phát triển nuôi hải sản trên biển và hải đảo trong thời gian
- Lao động tham gia nuôi cá lồng trên biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong quản lý và thiếu ý thức trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường xung quanh.
- Môi trường vùng ven biển ngày càng bị ô nhiễm do những tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế xã hội, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển nuôi hải sản trên biển và hải đảo trong giai đoạn vừa qua.
MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN NUÔI BIỂN
Đến nay, Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang đã nghiên cứu thành công về sinh học, sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số đối tượng cá biển, giáp xác, nhuyễn thể và rong biển. Ngoài ra, một số đề tài/dự án cũng tập trung nghiên cứu phát triển thức ăn công nghiệp cho cá mú, cá chim vây vàng, cá hồng Mỹ, cá bớp và tôm hùm. Những kết quả này là tiền đề để xây dựng các mô hình với chuỗi sản xuất từ con giống tới nuôi thương phẩm các đối tượng hải sản phục vụ nhu cầu nuôi hải sản.
Cá biển
Bắt đầu nghiên cứu từ 1996 đến nay, 04 dự án nước ngoài tài trợ (NUFU, NORAD, CARD), 02 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước, cấp Bộ, 03 đề tài NAFOSTED, 04 đề tài cấp Bộ, 07 đề tài cấp tỉnh, 03 dự án chuyển giao công nghệ cho các tỉnh (Chương trình Nông thôn miền núi): Ninh Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Các đối tượng cá biển nghiên cứu: cá chẽm, cá chẽm mõm nhọn, cá chim vây vàng, cá hồng bạc, cá dìa, cá mú, cá giò, cá hồng Mỹ, cá sủ đất, cá bè vẫu, cá khế vằn và cá khoang cổ.
Cá chẽm (Lates calcarifer): Bắt đầu với một đề ài cấp tỉnh, Viện đã nghiên cứu sản xuất giống từ năm 1996. Đến 2004 đã nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật sản xuất giống, sản xuất thương mại, chuyển giao cho dân (dự án NUFU) ở Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng và Kiên Giang. Đến nay, cá chẽm giống được sản xuất ở nhiều địa phương trên cả nước, số lượng con giống đủ đáp ứng cho nhu cầu nuôi, riêng Trường Đại học Nha Trang hàng năm sản xuất và cung ứng khoảng 3 – 5 triệu con cá chẽm giống cho người nuôi.
Nghiên cứu nuôi thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp được thực hiện năm 2008 – 2010 (Đề tài SUDA), quy trình nuôi trong ao đạt năng suất 20 tấn/ha/vụ, với chu kỳ nuôi 9 – 10 tháng, cỡ cá thu hoạch 0,8 – 1,0 kg từ cá giống cỡ 5 – 6 cm, hệ số FCR từ 1,4-1,5; nuôi lồng đạt năng suất: 10 – 17 kg/m3, chu kỳ nuôi 8 – 9 tháng, cá thu hoạch cỡ 0,9 – 1,2 kg từ cỡ giống 8 – 10 cm, hệ số FCR 1,6 – 1,7. Hiện nay quy trình này đang được áp dụng rộng rãi.
Cá chim vây vàng (Trachinotus spp): Cá sinh trưởng nhanh, dễ nuôi công nghiệp trong lồng, ao nước lợ, mặn. Đối tượng này được bắt đầu nghiên cứu sản xuất giống từ năm 2009, từ năm 2009 – 2015 nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm, nghiên cứu SX thức ăn công nghiệp thông qua các chương trình nghiên cứu là 02 đề tài tỉnh, 01 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ, 01 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước, 03 dự án CGCN. Đến nay quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm đã khá hoàn thiện và đã được chuyển giao cho một số tỉnh như Ninh Bình, Nghệ An, Khánh Hòa và Ninh Thuận, quy trình nuôi thương phẩm cũng được áp dụng rộng rãi thông qua các chương trình khuyến ngư.
Các loài cá chim đã sản xuất là cá chim vây ngắn (Trachinotus falcatus), cá chim vây dài (T. blochii). Số lượng giống sản xuất hàng năm tại các tỉnh Nam Trung bộ khoảng 8 – 10 triệu con giống, riêng Đại học Nha Trang sản xuất khoảng 3 - 5 triệu con giống của 2 loài này mỗi năm.
Cá hồng Mỹ/đù đỏ (Sciaenops ocellatus): Đối tượng này được đưa vào nghiên cứu sản xuất giống, nuôi thương phẩm năm 2014 – 2016 và hiện đã chuyển giao công nghệ tại Khánh Hòa. Loài cá này lớn nhanh, dễ nuôi, nuôi được cả trong lồng, ao nước lợ, mặn từ khu vực ven biển Thừa Thiên Huế đến Kiên Giang, tập trung nhiều ở tỉnh Khánh Hòa và Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện nay kỹ thuật sản xuất giống khá ổn định tại Khánh Hòa, hàng năm trong tỉnh sản xuất được khoảng 3-4 triệu con giống, trong đó cơ sở của Trường Đai học Nha Trang sản xuất được khoảng 1 – 1,2 triệu con giống cỡ 5 – 6 cm mỗi năm.
Cá bớp/cá giò (Rachycentron canadum): Sản xuất giống nhằm mục đích thương mại từ 2010 đến nay, kỹ thuật sản xuất tương đối ổn định. Cá bớp giống được sản xuất hàng năm tại Khánh Hòa đủ đáp ứng cho nhu cầu nuôi tại các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ, trong đó các cơ sở của Trường Đại học Nha Trang sản xuất hàng năm từ 200.000 – 300.000 con giống cỡ 10 – 12 cm. Những nghiên cứu liên quan: nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng cho cá giống, cá thương phẩm (Dự án NORAD), khảo nghiệm thức ăn công nghiệp cho nuôi thương phẩm cho Cty Marine Farrm, đề tài cấp cơ sở về sản xuất giống và nuôi thương phẩm.
Cá mú/cá song (Epinephelus spp): Trung tân Nghiên cứu Giống và Dịch bệnh Thủy sản và các cơ sở khác thuộc Trường đã sản xuất giống nhằm mục đích thương mại từ 2012 đến nay, tỷ lệ sống vẫn còn khá thấp (thường dưới 5%). Các loài sản xuất như cá mú đen (Epinephelus coioides, E. tauvina), cá mú trân châu (cá lai giữa cá mú cọp và mú nghệ). Những nghiên cứu liên quan như nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng cho cá giống, cá thương phẩm, bảo quản tinh. Khảo nghiệm thức ăn công nghiệp cho nuôi thương phẩm thông qua dự án CARD, đề tài Nafosted, khảo nghiệm thức ăn.
Cá chẽm mõm nhọn (Psammoperca waigiensis): Đây là loài có giá trị kinh tế cao nhưng sinh trưởng chậm. Nghiên cứu sinh học và sản xuất giống từ năm 2000 – 2002 và nghiên cứu nuôi thương phẩm (thử nghiệm) từ 2002 – 2004 thông qua đề tài SUMA. Hiện nay đang nghiên cứu cơ chế nội tiết kiểm soát hoạt động sinh sản, nghiên cứu bảo quản tinh thông qua dự án NORAD, đề tài Nafosted. Đến nay kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài cá này đã ổn định. Mặc dù giá bán cá thương phẩm cao, tuy nhiên do cá chậm lớn (200 – 300 g/năm nuôi) nên ít được người nuôi quan tâm.
Cá hồng bạc (Lutjanus argentimaculatus): Nghiên cứu sinh học sinh sản, sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp từ năm 2007 – 2014 thông qua đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo và cấp tỉnh Khánh Hòa. Kết quả sản xuất giống tỷ lệ sống thấp, cá chậm lớn khi nuôi thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp, đặc biệt năm thứ nhất và nhu cầu của người nuôi không lớn.
Cá dìa công (Siganus guttatus): Được nghiên cứu về sinh học sinh sản, cơ chế nội tiết, bảo quản tinh cá và sản xuất giống từ năm 2011 đến nay thông qua đề tài cấp tỉnh Khánh Hòa, đề tài Nafosted. Đây là loài cá ăn thực vật, có giá trị kinh tế cao, rất phụ hợp cho các mô hình nuôi ghép. Tuy nhiên, kỹ thuật sản xuất giống khó, tỷ lệ sống của cá con thấp, kỹ thuật chưa ổn định.
Cá sủ đất (Nibea diacanthus): Đây là loài cá có tiềm năng ở khu vực Nam Trung bộ do lớn nhanh, giá trị kinh tế cao có thể nuôi trong lồng trên biển và ao nước lợ, mặn. Đối tượng này được nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm tại Khánh Hòa từ đầu năm 2017 và đến cuối năm sản xuất được 50.00 con giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cho thấy cá phát triển khá tốt. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cơn bão số 12 năm 2017 làm mất toàn bộ cá bố mẹ và cá thương phẩm nên chương trình nghiên cứu phải dừng lại. Hiện nay, đang gây nuôi lại đàn cá bố mẹ để tiếp tục phục vụ cho mục tiêu sản xuất giống và nuôi loài cá này.
Cá bè đưng/cá khế vằn (Gnathanodon speciosus), cá bè vẫu (Caranx ignobilis): Đây là những đối tượng nuôi mới, hiện các nhóm nghiên cứu của Viện Nuôi trồng Thủy sản đang nghiên cứu về sinh học sinh sản, sản xuất giống hai loài cá này. Với cá khế vằn hiện này quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm khá ổn định, hàng năm sản xuất được 300.000 – 400.000 con giống, tỷ lệ sống đạt 8 – 16%. Mặc dù loài cá này dễ nuôi, sử dụng tốt thức ăn công nghiệp, thịt thơm ngon, giá bán cao song cá lại chậm lớn (500 – 600 g/ năm nuôi) nên chưa thực sự hấp dẫn người nuôi. Cá bè vẫu là loài sinh trưởng nhanh, có thể phát triển nuôi công nghiệp, nhiều người nuôi quan tâm, song tỷ lệ sống trong sản xuất giống còn rất thấp (tỷ lệ sống khi ương giống đạt dưới 3%). Do vậy, đối tượng này cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện kỹ thuật sản xuất giống.
Vùng nuôi của Viện
Nhuyễn thể và rong biển
Các loài động vật thân mềm đã và đang được nghiên cứu tại Trường Đại học Nha Trang gồm nghêu lụa, ngao, ốc đĩa, vẹm, sò huyết, bào ngư và ốc nhày thông qua cac đề tài cấp tỉnh, Bộ và cấp cơ sở. Các nghiên cứu tập trung vào đặc điểm sinh học sinh sản, xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm. Tuy nhiên các nghiên cứu mới dừng ở quy mô nhỏ, chưa có những mô hình sản xuất đại trà.
Những nghiên cứu trên rong biển cũng rất hạn chế, chủ yếu thông qua các đề tài cấp cơ sở. Những nghiên cứu tập trung vào đặc điểm phân bố, cơ chế sinh sản, ảnh hưởng của muối dinh dưỡng, ánh sảng lên sinh trưởng của rong. Đây là những nghiên cứu cơ bản làm nền tảng cho việc xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi trồng rong biển. Các loài rong đã nghiên cứu gồm rong hồng vân, rong sụn, rong nho, rong mứt.
Tôm hùm
Thông qua các chương trình nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước, đên nay đã nghiên cứu thiết lập được công thức thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Đã thiết lập được các quy trình ương tôm hùm giống từ tôm trắng lên tôm bọ cạp, từ tôm bọ cạp lên tôm giống cỡ 20 – 30 g và nuôi tôm thương phẩm. Việc thử nghiêm nuôi tôm hùm bằng thức ăn công nghiệp sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh, cũng như giảm sức ép khai thác cá tạp làm thức ăn cho tôm, đồng thời giúp người nuôi chủ động hơn về nguồn thức ăn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế cá tạp nuôi tôm hùm cũng còn nhiều hạn chế như tôm sinh trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp và màu sắc kém hơn so với cho ăn bằng cá tươi. Bên cạnh đó, giá thành của thức ăn công nghiệp thử nghiệm còn khá cao.
Nghiên cứu hệ thông nuôi cá biển bằng mương nổi đặt trong ao
Chương trình nghiên cứu thông qua dự án CARD do Chính phủ Australia tài trợ “Nuôi thâm canh cá biển trong ao bằng mương nổi” được nghiên cứu từ năm 2004 – 2007. Hệ thống mương nổi có những ưu điểm như mật độ nuôi cao, dễ kiểm soát thức ăn, cỡ cá và dịch bệnh, kỹ thuật vận hành đơn giản, tiết kiệm nhân công, hạn chế tác động xấu lên môi trường và đang được sử dụng nhiều ở các nước như Nhật Bản, Úc, Mỹ. Phía Việt Nam đã ương một số loài cá biển từ giống nhỏ lên giống lớn thành công như cá chẽm đạt tỷ lệ sống trên 80%, năng suất từ 40 – 60 kg/m3; cá mú đạt tỷ lệ sống trên 95%, năng suất 20 – 25 kg/m3. Phía Australia: nuôi thương phẩm cá đục, cá sủ thương phẩm đạt năng suất từ 80 – 120 kg/m3. Hệ thống này phù hợp cho ương cá biển từ giống nhỏ lên giống cỡ lớn với số lượng lớn. Điều này rất cần thiết đối với các trang trại nuôi cá biên quy mô lớn với nhu cầu cá giống cho một lần thả lớn.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NUÔI CÁ BIỂN
Hiện nay các trại sản xuất giống cá biển ở khu vực Nam Trung bộ chủ yếu phát triển với quy mô vừa và nhỏ, kỹ thuật sản xuất đa dạng nên chất lượng cá giống sản xuất ra không đồng đều, số lượng giống sản xuất mỗi đợt không lớn nên rất khó đáp ứng nhu cầu nuôi cho các trang trại nuôi thương phẩm quy mô lớn bằng lồng tròn HDPE (kiểu lồng Na Uy). Do vậy, song song với việc xây dựng mô hình sản xuất giống cho từng loài cá biển để chuyển giao cho các địa phương, thì việc từng bước phát triển hệ thống trại sản xuất giống cá biển đại với quy mô thích hợp cho từng giai đoạn, trang bị đủ hệ thống đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc con giống; đảm bảo cung cấp sản lượng giống đáp ứng nhu cầu nuôi biển cũng rất cần thiết.
Có thể chuyển đổi các trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống quốc gia và các trung tâm giống cấp 1 của các tỉnh ven biển thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ sản xuất giống, có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thu hút nguồn vốn xã hội để đầu tư nâng cấp qui mô và hiện đại hóa.
Xây dựng các mô hình sản xuất trứng cá biển thụ tinh
Mỗi vùng sản xuất giống cá biển tập trung nên có 3 – 5 cơ sở sản xuất trứng thụ tinh cho mỗi loài cá nuôi chủ lực như cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng, cá hồng Mỹ và cá bè để cung cấp trứng thụ tinh chất lượng tốt, ổn định cho các trại ương cá giống tại địa phương. Việc này sẽ giúp các trại sản xuất giống sản xuất ra cá giống đồng loạt với số lượng lớn đáp ứng đủ cho các trại nuôi cá thương phẩm công nghiệp quy mô lớn. Các cơ sở này là các Viện, Trung tâm nghiên cứu hoặc các trại giống có quy mô lớn đảm nhiệm. Đây là nơi thu thập, nuôi giữ và phát triển đàn bố mẹ để tránh lai tạp cận huyết, đồng thời thực hiện các chương trình nghiên cứu áp dụng những thành tựu công nghệ mới gia hóa và chọn giống trên cơ sở công nghệ gen, nhằm liên tục cải tiến chất lượng các tính trội của đàn bố mẹ.
Xây dựng các mô hình ương cá giống trên bờ
Việc đưa cá giống kích thước nhỏ cỡ 3 – 4 cm ra ngoài biển nuôi dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao, mức độ phân đàn khi nuôi lớn ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng cá thương phẩm, chu kỳ nuôi dài nên nguy cơ rủi do cao hơn. Do vậy, cần phát triển xây dựng mô hình ương cá giống lên cỡ lớn hơn (cỡ 8 – 10 cm) với số lượng có thể cung cấp đủ cho các trang trại nuôi công nghiệp. Hiện nay, các mô hình ương trong mương nổi, mương nước chảy hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu này và có thể áp dụng phù hợp Việt Nam.
Xây dựng các mô hình nuôi cá biển công nghiệp
Việc phát triển nuôi tập trung ở vùng biển ven bờ và trong các eo vịnh với mật độ lồng, bè cao gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do vậy, cần phát triển các mô hình nuôi trên vùng biển sâu và mở. Các kiểu lồng tròn nổi (kiểu Na Uy) bằng vật liệu nhựa HDPE, lồng nổi bằng kết cấu thép, các loại lồng hình cầu chìm và bán chìm có khả năng chịu sóng gió, biến động thời tiết tốt có thể đáp ứng được các yêu cầu này. Các đối tượng nuôi phù hợp cho mô hình này là cá chẽm, cá chim vây vàng, cá hồng Mỹ, cá bè, đây là những loài có giá trị kinh tế, có lợi thế cạnh tranh, thị trường tiêu thụ lớn, đồng thời cá sử dụng tốt thức ăn công nghiệp, kỹ thuật nuôi và nguồn giống sản xuất ổn định.
Tổ chức lại việc nuôi lồng quy mô nhỏ vùng ven bờ
Hiện nay, hình thức nuôi này chiếm số lượng lớn với trình độ, kỹ thuật nuôi và đối tượng nuôi đa dạng, mật độ lồng bè dày nên sự cố về môi trường và dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường, đồng thời chất lượng sản phẩm khi thu hoạch cũng không đồng đều, sản lượng thấp và thiếu tập trung nên rất khó để xuất khẩu. Do vậy, cần xây dựng quy trình nuôi phù hợp với trình độ quản lý của người nuôi để áp dụng sản xuất, nhằm tào ra các sản phẩm có chất lượng đồng nhất góp phần phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, quy hoạch và tổ chức lại các vùng nuôi ven bờ bằng lồng quy mô nhỏ, kiểu truyền thống, có cải tiến để chống chịu tốt hơn với bão tố; hạn chế số lượng lồng nuôi và quy định quy mô số ô lồng (sản lượng) cho mỗi trại kết hợp với giám sát môi trường.
TS. Ngô Văn Mạnh
Viện Nuôi trồng Thủy sản – Trường Đại học Nha Trang
Tin tức liên quan
- ĐƯA NUÔI BIỂN TRỞ THÀNH NGÀNH ĐỘT PHÁ CHO KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM 10/01/2022
- Tác động môi trường của các công trình điện gió tại Việt Nam 16/02/2022
- Giấc mơ của 'Vua cá chẽm' 13/10/2023
- Nuôi biển - không đơn thuần là nuôi tôm, nuôi cá 11/05/2023
- Phát triển kinh tế biển bền vững: Tiềm năng, thách thức và định hướng 28/09/2021
Quý khách vui lòng nhập Email và gửi về cho chúng tôi:
Liên hệ tin bài, quảng cáo:
Email:thunm.vsp@gmail.com
Phone:0983.922.298