vsalogo

Phổ biến Nghị định 11.2021.NĐ – CP về giao khu vực biển

Ngày đăng: 23/03/2021
Sáng 19/3, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Hội nghị Phổ biến Nghị định 11/2021/NĐ – CP ngày 10/2/2021 quy định về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng Chủ tịch Hiệp hội phát biểu tại điểm cầu Hà Nội

Nghị định 11/2021/NĐ – CP về Giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành là một văn bản pháp luật có ảnh hưởng lớn đến hoạt động quản lý nuôi trồng thủy hải sản trên biển và các doanh nghiệp kinh doanh nghề cá. Với nhiều nội dung mới, lần đầu được quy định về thủ tục giao, cho thuê khu vực biển nuôi trồng thủy hải sản và các hoạt động khác nên Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đã tổ chức phổ biến Nghị định đến tất cả các thành viên của Hiệp hội, các doanh nghiệp, lãnh đạo, nhà quản lý tại 4 điểm cầu Hà Nội, Nha Trang, Cần Thơ và TP.HCM.

Phát biểu tại Hội nghị PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng Chủ tịch Hiệp hội cho biết, Hội nghị là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước địa phương, các doan nghiệp và cơ quan liên quan có thể trao đổi trực tiếp những vấn đề còn đang vướng mắc khi triển khai Nghị định theo thẩm quyền, trách nhiệm của các bên liên quan; đồng thời cũng là dịp để cơ quan quản lý nhà nước là đại diện Cục thủy sản và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam giải đáp những thắc mắc trong cách hiểu và vận dụng Nghị vào cuộc sống .

Theo đó, bà Phạm Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế và Thanh tra Tổng cuc Thủy sản đã nêu lại những quy định của pháp luật thủy sản trong việc quy định cấp giấy chứng nhận đầu tư nuôi trồng thủy sản, căn cứ pháp lý để được cấp, giao khu vực biển kinh doanh, nuôi trồng thủy hải sản và những nội dung cơ bản về mặt thủ tục hành chính để được cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển .

Nuôi trồng hải sản trên biển Khánh Hòa (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Thanh Tùng Vụ trưởng Vụ chính sách pháp chế, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã nêu một số điểm mới và bổ sung một số vấn đề trong Nghị định 11NĐ-CP so với Nghị định 51NĐ-CP cũ như: Về phạm vi điều chỉnh, đã quy định tất cả các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển (khu vực biển) của các tổ chức, cá nhân có phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến hết các vùng biển Việt Nam theo văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định (trừ việc sử dụng khu vực biển vào mục đích quốc phòng, an ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh).

Nghị định đã giải thích rõ và cụ thể một số khái niệm như: Khu vực biển, khu vực biển liên vùng, vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý, văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân. Trong đó, đã lược bỏ phương pháp xác định khoảng cách vùng biển theo phương vỹ tuyến trong Nghị định số 51/2014/NĐ-CP bằng phương pháp mới phù hợp hơn để bảo đảm khoảng cách của vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý tính từ đường cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (khoản 4 và khoản 5 Điều 2).

Nghị định cũng nêu rõ vùng đất ngập nước nằm trong mép nước triều kiệu trở lại bờ sẽ được quản lý theo Luật đất đai. Phân cấp mạnh hơn cho địa phương khi giao cho địa phương quản lý và giao đến vùng 6 hải lý tính từ bờ; Nghị định đã quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý của đất liền và đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo; Căn cứ giao khu vực biển; Về thời hạn giao, công nhận khu vực biểnGiao, công nhận, trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển.

Lý giải câu hỏi khi giao khu vực biển cho doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp này vừa làm điện gió, vừa nuôi trồng thủy sản có vi phạm hay không? Ông Tùng cho biết nếu doanh nghiệp đăng ký làm 2 dịch vụ này trên khu vực biển từ khi lập dự án và phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng thời nộp phí đầy đủ thì là phù hợp, nhưng nếu không đăng ký và tự ý cho thuê lại thì là vi phạm. Trong trường hợp giao, cho thuê với diện tích lớn nhưng sử dụng ít, sau 1 năm đi vào hoạt động sẽ phải đánh giá, rà soát và có thể thu hồi theo quy định.

 Đối với câu hỏi của chi cục Khánh Hòa hỏi về Vịnh Vân Phong nằm trong mực nước triều kiệt nhưngvịnh mênh mông toàn nước, những ngư dân trên đó kinh doanh nuôi trồng thủy hải sản và không có mét đất nào ở đó thì giao như thế nào? Ông Tùng cho biết, theo quy định của Nghị định thì vùng biển Khánh Hòa cũng đã công bố mực nước triều kiệt nhiều năm, vậy nên cứ trong mực nước triều kiệt trở về bờ thì quản lý theo Luật đất đai, tức là thẩm quyền trao do UBND cấp huyện cho thuê theo Luật đất đai (1ha trở xuống và không thu phí đối với hộ gia đình đơn lẻ,chuyên nuôi trồng thủy sản làm sinh kế hoặc chuyển đổi nghề), còn cho thuê nhiều hơn 1h thì phải thu phí và do UBND cấp tỉnh phê dyệt…

Hội nghị cũng đã tranh thủ phổ biến Dự thảo Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng.

 

Bạn cần đăng nhập để bình luận