vsalogo

Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Ngày đăng: 05/10/2022
Ngày 01/10/2022, tại Hà Nội, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) tổ chức Hội thảo “PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC”.

 Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
Thế kỷ XXI là thế kỷ của biển và đại dương

Việt Nam có bờ biển dài, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng lớn, có vị trí địa lý chiến lược bên bờ tây của Biển Đông, một biển lớn, quan trọng của khu vực và thế giới, với nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển: Vùng biển rộng trên 1 triệu km2 (gấp hơn ba lần diện tích đất liền) với gần 4.000 đảo, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông; có 28/63 tỉnh thành giáp biển với khoảng 20 triệu người sống ở ven bờ và 170.000 người dân sinh sống ở các đảo. Biển Đông là ngôi nhà của hàng nghìn loài hải sản nhiệt đới phong phú, trong đó hàng trăm loài hải sản phong phú, có giá trị kinh tế cao. Biển Đông còn được ví như bồn trũng chứa dầu khí lớn của thế giới cùng nhiều khoáng sản quý. Hơn 80% lượng dầu mỏ, 30% lượng hàng hóa giao thương trên thế giới vận chuyển qua Biển Đông đã khẳng định vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của vùng biển này.

Vì thế, Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển kinh tế biển. Việt Nam được định hướng là sẽ đi lên từ biển và trở thành quốc gia mạnh về biển. Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng “Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm” tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020. Chiến lược xác định Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường đối thoại, hợp tác quốc tế về biển. Chỉ trong vòng 5 năm qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành nhiều luật, pháp luật, nghị định, quyết định, thông tư có liên quan đến lĩnh vực kinh tế biển.

Tuy nhiên, nhiều luật lệ và chính sách vẫn chưa được thực thi hiệu quả. Vì vậy, lợi thế, tiềm năng bao la của biển Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ; nhiều ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Sự liên kết giữa các địa phương và các ngành, lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả; ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi đang diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; tài nguyên biển đã và đang bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập. Cùng với đó, hợp tác quốc tế về biển chưa hiệu quả; kinh tế biển Việt Nam vẫn đang phát triển ở trình độ thấp của khu vực và thế giới; khoa học và công nghệ, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

VSA tháo gỡ nút thắt cản trở phát triển kinh tế biển

Với mong muốn huy động trí tuệ của các chuyên gia và các nhà khoa học, trao đổi, thảo luận, phản biện, tìm những giải pháp thực tế, khắc phục các điểm nghẽn trong việc thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển (đặc biệt là phát triển công nghiệp nuôi biển), Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã quyết định phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) và các đối tác tổ chức Hội thảo “Phát triển Kinh tế biển Việt Nam: Cơ hội và Thách thức”.

Hội thảo lần này tập trung vào việc nhận thức cơ cấu, nội hàm, những tiềm năng và cơ hội phát triển của kinh tế biển Việt Nam, phân tích rõ những thách thức, khó khăn, vạch ra những điểm nghẽn/nút thắt cần khẩn trương tháo gỡ và phương thức giải quyết các mâu thuẫn cản trở sự phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Tiêu điểm của hội thảo tập trung vào thực trạng, phương thức tiếp cận và một số mô hình mới của nuôi biển – một ngành công nghiệp mới, có nhiều tiềm năng trở thành lĩnh vực đột phá cho đất nước, và những vấn đề của các lĩnh vực kinh tế biển khác, như: năng lượng điện gió, đô thị biển...

Tại hội thảo, các đại biểu đã nhiệt tình thảo luận và tích cực phản biện các giải pháp thực tế nhằm khắc phục các điểm nghẽn, từ đó thực hiện hiệu quả “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và “Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW”, đặc biệt là phát triển công nghiệp nuôi biển.  

Hơn 100 chuyên gia khoa học và các nhà quản lý, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí truyền thông đã đến tham dự hội thảo. Nhiều bài tham luận đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với nội dung phong phú, đa dạng, xoay quanh các chủ đề như: Điểm nhấn chính sách phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; Nguyên tắc xây dựng Quy hoạch sử dụng không gian biển quốc gia; Luật đất đai sửa đổi và những vấn đề về quản lý không gian biển; Kinh tế sinh thái trong phân vùng không gian biển; Giải pháp an ninh - quốc phòng trong phát triển kinh tế biển Việt Nam; Khai thông ách tắc trong thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân sử dụng; Đào tạo nhân lực phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển; Đặc điểm phát triển kinh tế biển ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long;

Vướng mắc về quản lý và kiểm soát chất lượng môi trường biển; Đô thị biển Việt Nam – Tiềm năng và thách thức; Thành tựu và khó khăn của doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp Việt Nam; Phát triển điện gió ngoài khơi: Những ách tắc cần tháo gỡ; Phương thức bảo hiểm bão dựa trên công nghệ blockchain cho hoạt động kinh tế biển; Kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm biển và công nghiệp nuôi biển; Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho nuôi biển công nghiệp Việt Nam; Đổi mới sản xuất và cung ứng thức ăn công nghiệp phát triển nuôi cá biển Việt Nam; Công nghệ HDPE phục vụ hiện đại hóa nuôi biển kết hợp du lịch biển Việt Nam; Định hướng phát triển công nghiệp rong tảo biển Việt Nam; Chứng nhận và giám định kỹ thuật các cơ sở nuôi biển Việt Nam; Tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển bền vững công nghiệp nuôi biển Việt Nam...

Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Với sự nhiệt tình đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nhân nhiều ngành kinh tế biển, Hội thảo “Phát triển Kinh tế biển Việt Nam: Cơ hội và Thách thức” đã tập hợp được nhiều ý kiến độc đáo, những phản biển sâu sắc và những đề xuất giải pháp cụ thế với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và các tỉnh nhằm thực thi hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW.

Tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam

Tại hội thảo, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) cũng đóng góp một số ý kiến nhằm tạo động lực giúp các chủ thể nuôi biển có được sức bật mới, thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy sản thuận lợi và đúng hướng, tạo phương thức mới để phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam. Cụ thể là VSA đề xuất Nhà nước tập trung tháo gỡ sớm một số điểm nghẽn đang cản trở việc thực hiện chiến lược, chủ trương và chính sách phát triển công nghiệp nuôi biển. Thứ nhất là về quy hoạch: Theo VSA, không có quy hoạch thì không giao được các khu vực biển cụ thể cho người nuôi. Đây là điểm nghẽn lớn nhất cản trở việc phát triển công nghiệp nuôi biển.

Ở cấp quốc gia, “Quy hoạch không gian biển quốc gia” (cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam) vẫn chưa được Quốc hội phê duyệt.

Ở cấp tỉnh, Quy hoạch tỉnh (tích hợp, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường) phần lớn đều đang được xây dựng và chưa được phê duyệt, nên chưa có cơ sở để xác định rõ vùng có thể phát triển nuôi biển trong phạm vi từ 6 hải lý trở vào theo Luật Thủy sản, không cản trở các hoạt động kinh tế biển khác.

Thứ hai là thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, ngư dân: Việc thực hiện thủ tục với rất nhiều giấy tờ và thủ tục chồng chéo, rất phức tạp và mất nhiều thời gian cho các tổ chức, cá nhân nuôi biển.

Thứ ba là tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về nuôi biển: Tiêu chuẩn, quy chuẩn là cơ sở pháp lý kỹ thuật cho quản lý Nhà nước, nhưng riêng đối với lĩnh vực nuôi biển, cho đến nay, ngành nông nghiệp chưa ban hành được các tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết, đặc biệt là về lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho cơ sở và phương tiện nuôi, an toàn sinh học cho vật nuôi và vùng nuôi, vật liệu an toàn cho môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển… Trong 3 năm qua, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã tiến hành xây dựng Tiêu chuẩn Cơ sở số TCCS 01:2022/VSA “Cơ sở nuôi cá trên biển theo phương thức công nghiệp”, đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và ngư dân, sẽ hoàn chỉnh và sẽ ban hành trong tháng 10/2022.

Thứ tư là đăng ký, đăng kiểm cho cơ sở và phương tiện nuôi biển: Hiện chưa có cơ quan Nhà nước nào được phân công chịu trách nhiệm đăng ký, đăng kiểm cho loại hình cơ sở, phương tiện phương tiện nuôi biển và phục vụ nuôi trên biển. Do vậy, thủ tục đăng ký, đăng kiểm loại hình này cũng chưa được ban hành. Việc chưa được đăng ký và đăng kiểm, cơ sở nuôi biển và phương tiện nuôi biển không thể được công nhận là tài sản và được định giá tương xứng một cách hợp pháp, để làm cơ sở cho việc mua bảo hiểm, vay vốn ngân hàng, đấu giá, chuyển nhượng hay thừa kế. Tình trạng đó cũng gây nhiều khó khăn cho chính hoạt động quản lý Nhà nước.

Thứ năm là bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển: Các cơ sở nuôi trên biển chưa hề được bảo hiểm, do các công ty bảo hiểm không thể chấp nhận rủi ro khi chưa có các cơ sở pháp chế kỹ thuật. Để giải quyết tình trạng này, cần thực hiện việc xây dựng các cơ sở pháp chế kỹ thuật quản lý lĩnh vực nuôi trên biển, bao gồm các tiêu chuẩn/quy chuẩn và thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm cho các cơ sở và phương tiện NTTS trên biển, cũng như các cơ sở và phương tiện phục vụ NTTS trên biển. Theo VSA, có thể áp dụng phương thức bảo hiểm bão dựa trên vệ tinh của công ty Hillridge Technology (Úc) xây dựng sử dụng công nghệ blockchain. Đây là phương thức minh bạch, khoa học và đơn giản có thể góp phần giúp các doanh nghiệp và ngư dân nuôi biển chủ động tự bảo hiểm cho tài sản và vật nuôi của mình.

Thứ sáu là chính sách hỗ trợ nuôi biển: Ngay từ khi thành lập năm 2016, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng trình Chính phủ một Nghị định mới thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản ban hành năm 2014, bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển, và đã hợp tác chặt chẽ với Tổng Cục Thủy sản xây dựng Dự thảo Nghị định. Bản dự thảo gần đây nhất (cuối tháng 8/2022) đã đưa những điều khoản hỗ trợ phát triển nuôi biển (như: Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư; hỗ trợ mua bảo hiểm). Việc Chính phủ sớm ban hành Nghị định này trong năm nay sẽ tạo cú hích thúc đẩy lĩnh vực nuôi biển phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá cho ngành Thủy sản Việt Nam…

Ngọc Thúy - FICen

Bạn cần đăng nhập để bình luận