Kỹ sư Lê Bền miệt mài phát triển nghề trồng rong
Ngày đăng: 07/07/2021
(VSA) Có một kỹ sư địa chất, nhưng suốt 20 năm qua lại đam mê và miệt mài nghiên cứu về rong biển. Đó chính là KS. Lê Bền – Phó Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín. Gặp ông, lắng nghe những điều tâm huyết tự đáy lòng và thăm mô hình trồng rong của ông, tôi không khỏi tò mò. Điều gì đã làm ông mê mẩn với ngành rong biển đến như vậy? Tạp chí Vươn Khơi xin giới thiệu đến bạn đọc cuộc trò chuyện đầy thú vị với ông.PV: Thưa ông, được biết ông là kỹ sư chuyên ngành địa chất, vậy cơ duyên nào lại đưa ông đến với ngành rong biển?
Lê Bền : Có lẽ đây cũng là cái duyên. Cách đây gần 20 năm cứ mỗi lần làm việc xong và dùng cơm với các khách hàng người Nhật, họ thường giới thiệu cho tôi về các món rong biển và họ nói rất nhiều về giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế của các loài rong biển. Điều đó đã làm tôi tò mò và dần cuốn hút tôi. Rồi vào năm 2004, một người bạn Nhật đã giúp tôi di nhập loài rong nho biển (Caulerpa lentillifera) từ Okinawa về trồng thành công rong nho thương phẩm tại Việt Nam và nhân rộng, phát triển mãi từ đó đến nay.
KS. Lê Bền – Phó Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín
PV: Tôi được biết, ông đã rất thành công về cây rong nho biển với thương hiệu “Rong nho Trí Tín”, vậy điều gì đã làm ông bây giờ lại tiếp tục nghiên cứu thêm cây rong sụn ?
Lê Bền: Như bạn biết, biển nước ta thuộc vùng nhiệt đới, có thể nuôi trồng được rất nhiều loài rong biển có giá trị kinh tế cao. Một trong số đó là Rong sụn (Kappaphycus). Theo nhiều tài liệu, từ năm 1993, TS. Huỳnh Quang Năng và các cộng sự, như ThS. Võ Duy Triết, ThS. Trần Mai Đức,...là những người đã có công đầu tiên với sự giúp đỡ của GS. Masao Ohno (Nhật Bản) đưa cây rong sụn về Việt Nam và hướng dẫn cho người dân ven biển trồng ở các vùng biển Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,...và duy trì mãi đến nay.
Xuất phát từ tình yêu rong và nhiều người ví trong tôi như có nước biển trong máu, làm được gì cho gia đình, cho xã hội và cho cộng đồng ven biển thì tôi luôn sẵn sàng.
PV: Thưa ông, theo như ông nói rong sụn cũng là loài rong có giá trị kinh tế cao và đã được đưa về Việt Nam trồng rất sớm từ năm 1993. Nhưng tại sao mãi đến nay loại rong này vẫn chưa phát triển mạnh được ở nước ta và hình như vẫn chưa có ai làm giàu được nhờ trồng cây rong sụn ?
Lê Bền: Câu hỏi rất hay! Bất cứ một giống loài nuôi biển nào cũng phải có trải nghiệm theo thời gian, có tổ chức chứ tự phát rất khó thành công. Thực tế cho thấy, người dân chủ yếu chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không nhìn lâu dài. Sẵn có niềm đam mê, cộng với thích khám phá những điều mới mẻ và cũng chính điều “nghịch lý” này đã thu hút tôi lao vào tìm hiểu, nghiên cứu và thực nghiệm mô hình trồng rong sụn trên vải trong thời gian vừa qua. Xin nói rõ hơn. Đây không phải bắt nguồn từ ý tưởng của tôi, mà là từ một chuyên gia người Hà Lan: Mr. Michel sang cùng hợp tác thực hiện với Công Ty TNHH Trí Tín từ năm 2019.
Qua khảo sát thực tế, tôi biết được tất cả các vùng trồng rong sụn ở Việt Nam từ 1993 đến nay đều trồng theo cách truyền thống, tạm gọi là “Phương pháp treo căng dây trên mặt biển”. Theo cách trồng này, rong sụn giống được cắt thành từng bụi nhỏ từ 100g đến 200g/bụi. Các bụi rong giống được buộc vào một sợi dây chủ có đường kính lớn hơn, khoảng cách giữa các bụi từ 20cm đến 25cm. Các dây chủ này được đem căng xuống mặt biển, khoảng cách giữa các dây chủ cũng từ 20 đến 25cm, dùng phao hay vật nổi buộc vào để nâng dây chủ chìm cách mặt nước 20 - 25 cm để rong hấp thu được ánh sáng và thực hiện quá trình quang hợp tự nhiên.
Rong sụn được trồng trên vải, tránh được cá ăn - Mô hình đã nuôi tại Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa
Hàng ngày công nhân kiểm tra và vệ sinh rong bằng cách dũ các bụi rong để các chất bẩn bám dính vào rong được bung ra và lắng xuống đáy biển. Đến kỳ thu hoạch (thường từ 20 đến 30 ngày một lứa rong), công nhân cắt lấy rong từ các bụi đã phát triển, và giử lại một phần để làm giống cho chu kỳ trồng tiếp theo.
Theo sự phản ảnh của người dân, trồng rong sụn ở nước ta cần khắc phục ba điều bất lợi, đó là: tránh bị cá ăn (nhất là mùa sinh sản của cá giò và cá dìa); tránh mùa đông (tháng 10 đến 12, mưa nhiều và ngọt nước); tránh bệnh nhũn úng thân (hay còn gọi là bệnh biến trắng thân), tiếng Anh gọi là “ice-ice”, khiến rong bị gãy và rơi mất khi vệ sinh hay có sóng lớn.
Ba nguyên nhân trên làm sản lượng rong bị thiệt hại khoảng từ 40 đến 60% mỗi năm. Hơn nữa khâu chế biến vẫn còn rất hạn chế, đầu ra còn khó khăn, bắp bênh chưa ổn định. Đây là lý do làm cho người trồng rong sụn chưa có được thu nhập cao và ngành này không phát triển được.
PV: Vậy còn mô hình trồng rong sụn trên vải? Ông có thể giới thiệu cụ thể được không?
Lê Bền: Vâng. Trồng rong sụn trên vải là một phương pháp trồng mới, chúng tôi đã nghiên cứu và thực nghiệm từ cuối năm 2019, công việc còn đang dỡ dang chưa tổng kết thì bị dịch Covid-19, chuyên gia Hà Lan không sang được nên việc nghiên cứu phải tạm gián đoạn mãi đến nay, do vậy chúng tôi chưa phổ biến phương pháp này đến người dân để trồng. Tuy nhiên theo đề nghị của chị, tôi có thể giới thiệu một số điểm cơ bản mà chúng tôi đã làm.
Trước tiên, chúng ta phải có tấm vải để đỡ rong. Kích thước của tấm vải: chiều rộng khoảng 1,0 m đến 1,2 m (để dễ vệ sinh rong và thu hoạch); chiều dài có thể là 5 m, 10 m hay dài hơn, tùy theo điều kiện trồng ở từng nơi. Bên trên tấm vải là một lớp lưới, mắt lưới 10 x 10 cm, được may dính vào tấm vải ở phần viền chung quanh và có các khuy tròn để dể buộc dây treo.
Rong giống cũng được cắt thành từng bụi nhỏ từ 100g hay 200g. Các bụi rong giống được buộc dính vào miếng lưới bên trên tấm vải cách nhau từ 20 - 25cm. Buộc giống xong các tấm vải được đưa xuống biển, dùng dây và phao (hay vật nổi) treo và căng tấm vải trong nước ở độ sâu khoảng từ 20 đến 25 cm cách mặt biển, để rong tiếp nhận được ánh sáng và quang hợp.
Hàng ngày công nhân kiểm tra và làm vệ sinh, chỉ cần dùng tay quạt nhẹ qua các bụi rong bên trên tấm vải hoặc dũ nhẹ tấm vải để các phần bụi bẩn bám dính vào các bụi rong bung ra ngoài để rong quang hợp tốt hơn. Khi rong phát triển đến kỳ thu hoạch (từ 20 đến 30 ngày), công nhân cắt các bụi rong và chừa lại một phần để làm giống cho chu kỳ phát triển tiếp theo.
Qua thực nghiệm phương pháp trồng này, chúng tôi đã ghi nhận được các kết quả bước đầu rất phấn khởi, khắc phục tối đa hai nhược điểm lớn của cách trồng truyền thống. Một là giảm tối đa sự thiệt hại do bị cá ăn, vì cá có khuynh hướng săn mồi từ dưới lao lên, bị miếng vải chặn lại. Hai là giảm thiểu sự thiệt hại vì gãy rụng do bệnh úng thân (hay biến trắng) hoặc do sóng gió, vì khi rong có bị gãy ra vẫn nằm lại trên tấm vải không bị rơi mất. Công nhân vệ sinh hàng ngày phát hiện sẽ thu lấy, xử lý cắt bỏ phần bị bệnh và buộc trồng lại.
Nhờ khắc phục được hai nhược điểm này, giảm thiểu được sự thất thoát mà sản lượng thu được tăng cao đáng kể, và hiệu quả tăng gần gắp đôi so với phương pháp truyền thống trồng theo cách căng dây như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một nhược điểm là khi vệ sinh rong hàng ngày, phần bụi bẩn bung ra nhưng không rơi xuống đáy biển được, mà còn đọng lại trên tấm vải, dễ làm bẩn nguồn nước xung quanh rong trồng.
Các công nhân tại Trại nuôi rong của Công ty Trí tín tại Ninh Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa
PV: Như vậy theo ý ông làm thế nào để chúng ta sớm phổ biến cách trồng này cho dân?
Lê Bền: Như tôi đã nói, do tình hình dịch bệnh nên công việc nghiên cứu của chúng tôi phải tạm hoãn lại và chưa tổng kết được. Còn một số việc cần phải nghiên cứu tiếp như là: Các tấm vải được mang qua từ Hà Lan là loại gì? Ngoài việc cản cá ăn còn có tác dụng gì khác nữa không? Chúng ta có thể dùng loại khác để thay thế nó được không?
Rong sụn ở Việt Nam có rất nhiều loài, như: Rong sụn (Kappaphycus alvarezii ), Rong sú (Kappaphycus striatum ), rong Sụn gai (Eucheuma)... Nên trồng loại nào ở từng vùng biển khác nhau? Loài nào cho năng suất cao nhất và có hàm lượng các hoạt chất sinh học nhiều nhất?... Đó là những vấn đề mà chưa có các công trình nghiên cứu đầy đủ.
Qua những cuộc trò chuyện gần đây, đã có nhiều gợi ý rất hay. PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng đề nghị có thể dùng lưới mắt nhỏ để thay cho tấm vải, vì có thể vừa chống được cá ăn, lại vẫn cho các hạt bẩn rơi xuống đáy biển khi làm vệ sinh. Hay là có thể dùng những túi lưới hình ống với đường kính thích hợp và buộc các bụi rong giống vào trong rồi treo xuống biển, cách này cũng vừa chống cá ăn và cũng dễ vệ sinh, thu hoạch... Những vấn đề này cần phải nghiên cứu và thực nghiệm ngay để sớm có kết luận và phổ biến cho ngư dân trồng.
PV: Thưa ông, qua những gì mà ông đã tìm hiểu, nghiên cứu và thực nghiệm trong thời gian qua, ông đánh giá thế nào về triển vọng của nghề trồng rong sụn ở nước ta ?
Lê Bền: Theo tôi được biết, ở một số nước gần ta như Indonesia có điều kiện biển cũng giống ta và họ đã phát triển nghề trồng rong sụn rất mạnh, số lượng hàng năm họ xuất khẩu rất lớn do nhu cầu trên thế giới rất nhiều, vì rong sụn không phải chỉ dùng làm thực phẩm để ăn mà người ta còn chiết xuất để lấy ra nhiều hoạt chất sinh học rất có giá trị. Kinh nghiệm cho thấy, các vùng bãi ngang đáy cát vùng triều có độ sâu thấp và vừa phải ở ven biển. Ven các đầm phá, ven đảo là thuận lợi cho trồng rong sụn.
Do vậy, nếu các nhà khoa học ở nước ta giải quyết được những vấn đề trên, tôi tin rằng nghề trồng rong sụn ở Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh trong tương lai, vì người dân ven biển nước ta rất chịu khó và cũng nhạy bén với cái mới, thấy có hiệu quả là họ làm ngay và nhiều mô hình đã thành công.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện hôm nay, chúc ông nhiều sức khỏe, thành đạt và có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp phát triển ngành rong biển ở nước nhà.
Minh Anh thực hiện
Tin tức liên quan
Quý khách vui lòng nhập Email và gửi về cho chúng tôi:
Liên hệ tin bài, quảng cáo:
Email:thunm.vsp@gmail.com
Phone:0983.922.298