GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN HỘI ĐỒNG XUẤT KHẨU ĐẬU TƯƠNG HOA KỲ TẠI VIỆT NAM
Ngày đăng: 26/07/2022
(VSA) USSEC là đối tác năng động của rất nhiều thành viên chủ chốt – đại diện cho các nhà sản xuất, chế biến, vận chuyển và kinh doanh sản phẩm đậu tương, bên cạnh những tổ chức và liên minh nông nghiệp khác của Hoa Kỳ.Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Hoa Kỳ (USSEC)
USSEC là đối tác năng động của rất nhiều thành viên chủ chốt – đại diện cho các nhà sản xuất, chế biến, vận chuyển và kinh doanh sản phẩm đậu tương, bên cạnh những tổ chức và liên minh nông nghiệp khác của Hoa Kỳ. Thông qua mạng lưới rộng khắp toàn cầu và sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ trụ sở chính ở Mỹ, USSEC đang giúp kiến tạo và duy trì nhu cầu đối với các sản phẩm đậu tương; cung cấp những chỉ dẫn cho việc sử dụng đậu tương làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi; quảng bá lợi ích của sản phẩm đậu tương Hoa Kỳ thông qua hoạt động giáo dục và kết nối các lãnh đạo ngành và thành viên tích cực. Cùng với những tên tuổi lớn của ngành công nghiệp đậu tương Hoa Kỳ như ASA (Hiệp hội Đậu tương), USB (Liên minh Đậu tương), QSSB (Hội đồng Đậu tương chuẩn quốc gia),… USSEC đang không ngừng mở rộng sự hiện diện và tăng cường tiếp cận các thị trường quốc tế.
Đậu tương Hoa Kỳ và ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi
Đậu tương là một nguồn protein tuyệt vời thay cho đạm động vật với giá thành cạnh tranh, thường được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, bao gồm thủy sản. Ngoài ra, đậu tương còn chứa nhiều axit amin quan trọng, phù hợp với khả năng hấp thụ của hầu hết các loài thủy sản (tôm, cá, …) mang lại hiệu quả nuôi trồng tốt.
Hoa Kỳ là một trong những nhà sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới với hơn 50% sản lượng được xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ sở hữu đất đai, khí hậu và yếu tố di truyền tuyệt vời, bên cạnh thực tiễn quản lý xuất sắc – từ trang trại đến cảng xuất khẩu, Hoa Kỳ tự hào vì đã tạo ra các sản phẩm đậu tương khô (dạng bột) và dầu đậu tương tốt nhất thế giới. Dữ liệu khoa học từ nhiều nghiên cứu và thử nghiệm trong hàng thập kỷ đã chỉ ra chất lượng vượt trội của đậu tương Hoa Kỳ – cung cấp hàm lượng dinh dưỡng tổng thể cao hơn những sản phẩm cùng loại của nước khác, vì thế đã trở thành một nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quan trọng và cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tối ưu lợi nhuận.
Sản phẩm đậu tương bền vững
Từ trang trại đến bàn ăn, tất cả các mắt xích trong chuỗi giá trị đậu tương Hoa Kỳ đều được cam kết sâu về tính bền vững. Người trồng đậu tương chủ động quản lý đất đai của họ và thực hành bền vững ở khắp các khâu – từ gieo trồng cho đến thu hoạch, đồng thời áp dụng nghiêm ngặt Quy trình Đảm bảo tính bền vững của sản phẩm đậu tương Hoa Kỳ (SSAP) trên quy mô quốc gia. SSAP bắt đầu được triển khai từ năm 2013, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng đối với những sản phẩm đậu tương bền vững, là một cách tiếp cận theo hướng tổng thể và được kiểm soát bởi bên thứ ba độc lập, hoạt động dưới sự tuân thủ các quy định và luật pháp Hoa Kỳ.
Mô hình sông trong ao tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng
USSEC đã đầu tư và hậu thuẫn ngành NTTS ngay từ những năm 1985. Trong khuôn khổ Chương trình Đậu tương trong NTTS toàn cầu, USSEC luôn khuyến khích những phương án tiếp cận sinh lời và bền vững, bao gồm sản phẩm thức ăn từ đậu tương được tối ưu hóa.
Chương trình NTTS của USSEC tại Việt Nam
Việt Nam là nước có sản lượng NTTS lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á, với hơn 4,5 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, cá nước ngọt và tôm nước lợ chiếm tỷ lệ lớn – cần khoảng 5 triệu tấn thức ăn, đòi hỏi 2 triệu tấn đậu tương/năm để sản xuất. USSEC luôn mong muốn đồng hành cùng sự phát triển bền vững của ngành NTTS Việt Nam, vì thế đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, chương trình đào tạo, tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm… nhằm thúc đẩy việc hiện thực hóa tầm nhìn này.
Công nghệ Sông trong ao (IPRS)
IPRS là công nghệ NTTS tiên tiến, và Việt Nam là nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á được USSEC chọn để giới thiệu công nghệ này từ năm 2015. Ưu điểm lớn nhất của IPRS so với phương thức nuôi truyền thống nằm ở năng suất cao và tính bền vững dài hạn. Miền Bắc Việt Nam hiện đang có hơn 300 cơ sở NTTS được xây dựng theo mô hình IPRS và nhân rộng ra cả Trung lẫn Nam bộ.
Cơ sở Dữ liệu Dinh dưỡng Thủy sản (IAFFD)
IAFFD hiện có sẵn và cho truy cập miễn phí tại địa chỉ https://www.iaffd.com, cung cấp thông tin hữu ích đến với những người chuyên phối trộn thức ăn thuỷ sản theo công thức, bao gồm các khách hàng của sản phẩm đậu tương Hoa Kỳ. Hàng năm, USSEC thường tổ chức một khóa đào tạo – về thức ăn thủy sản công thức – cho những đối tác này.
Mô hình trình diễn nuôi cá biển lồng xa bờ tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa
Nuôi cá biển xa bờ bằng lồng nổi
Đây là lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn. Vì vậy, USSEC đang tích cực phối hợp với ngành nuôi biển nhằm sáng tạo nên những hệ thống sản xuất tiên tiến hơn – hứa hẹn trở thành nguồn cung cấp cá chính cho nhân loại trong tương lai.
Đậu tương và thức ăn cho tôm
Nhu cầu sử dụng đậu tương Hoa Kỳ trong ngành sản xuất thức ăn nuôi tôm được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tôm là loài có giá trị kinh tế cao và đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực thương mại thủy sản quốc tế. USSEC hiện đang cộng tác chặt chẽ cùng người nuôi tôm và hướng dẫn họ cách thức xây dựng những hệ thống cho ăn cũng như lựa chọn loại thức ăn phù hợp, hiệu quả.
Cải thiện chất lượng cá nước ngọt giống
Chương trình hoạt động mới không vì mục tiêu lợi nhuận, được USSEC xác định là bước quan trọng trong việc giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành NTTS nước ngọt. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường về nguồn giống chất lượng cao cùng số lượng lớn, các trại sản xuất giống cần được nâng cấp. USSEC đang lên kế hoạch hỗ trợ những cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt ở Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, tăng cường năng lực và chất lượng, thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, hội thảo,…
Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:
Ông Bùi Ngọc Thanh,
Giám đốc Kỹ thuật phụ trách miền Bắc và miền Trung, USSEC Việt Nam
Điện thoại: 0868 336 979; Email: thanh@ct.ussec.org
Tin tức liên quan
Quý khách vui lòng nhập Email và gửi về cho chúng tôi:
Liên hệ tin bài, quảng cáo:
Email:thunm.vsp@gmail.com
Phone:0983.922.298